Hạch toán tài khoản 414 theo quy định tại Thông tư 200/2014/TT-BTC
Nguyên tắc kế toán vốn chủ sở hữu
1. Vốn chủ sở hữu là phần tài sản thuần của
doanh nghiệp còn lại thuộc sở hữu của các cổ đông, thành viên góp vốn (chủ sở
hữu). Vốn chủ sở hữu được phản ánh theo từng nguồn hình thành như:
- Vốn góp của chủ sở hữu;
- Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh;
- Chênh lệch đánh giá lại tài sản.
2. Kế toán không ghi nhận vốn góp theo vốn
điều lệ trên giấy phép đăng ký kinh doanh. Khoản vốn góp huy động, nhận từ các
chủ sở hữu luôn được ghi nhận theo số thực góp, tuyệt đối không ghi nhận theo
số cam kết sẽ góp của các chủ sở hữu. Trường hợp nhận vốn góp bằng tài sản phi
tiền tệ thì kế toán phải ghi nhận theo giá trị hợp lý của tài sản phi tiền tệ
tại ngày góp vốn.
3. Việc nhận vốn góp bằng các loại tài sản vô
hình như bản quyền, quyền khai thác, sử dụng tài sản, thương hiệu, nhãn hiệu…
chỉ được thực hiện khi có quy định cụ thể của pháp luật hoặc cơ quan có thẩm
quyền cho phép. Khi pháp luật chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, các giao
dịch góp vốn bằng nhãn hiệu, thương hiệu được kế toán như việc đi thuê tài sản
hoặc nhượng quyền thương mại, theo đó:
- Đối với bên góp vốn bằng thương hiệu, nhãn
hiệu, tên thương mại: Ghi nhận số tiền thu được từ việc cho bên kia sử dụng
nhãn hiệu, tên thương mại là doanh thu cho thuê tài sản vô hình, nhượng quyền
thương mại, không ghi nhận tăng giá trị khoản đầu tư vào đơn vị khác và thu
nhập hoặc vốn chủ sở hữu tương ứng với giá trị khoản đầu tư;
- Đối với bên nhận vốn góp bằng thiêu hiệu, nhãn
nhiệu, tên thương mại: Không ghi nhận giá trị thương hiệu, nhãn hiệu, tên
thương mại và ghi tăng vốn chủ sở hữu tương ứng với giá trị thương hiệu, nhãn
hiệu, tên thương mại nhận vốn góp. Khoản tiền trả cho việc sử dụng nhãn hiệu,
thương hiệu, tên thương mại được ghi nhận là chi phí thuê tài sản, chi phí
nhượng quyền thương mại.
4. Việc sử dụng vốn đầu tư của chủ sở hữu,
chênh lệch đánh giá lại tài sản, quỹ đầu tư phát triển để bù lỗ kinh doanh được
thực hiện theo quyết định của chủ sở hữu, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ
các thủ tục theo quy định của pháp luật.
5. Việc phân phối lợi nhuận chỉ thực hiện khi
doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Mọi trường hợp trả cổ tức,
lợi nhuận cho chủ sở hữu quá mức số lợi nhuận sau thuế chưa phân phối về bản
chất đều là giảm vốn góp, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo
quy định của pháp luật và điều chỉnh giấy đăng ký kinh doanh.
Điều 70. Tài khoản 414 - Quỹ đầu tư phát
triển
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh số hiện có
và tình hình tăng, giảm quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp.
b) Quỹ đầu tư phát triển được trích lập từ
lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp và được sử dụng vào việc đầu tư mở
rộng quy mô sản xuất, kinh doanh hoặc đầu tư chiều sâu của doanh nghiệp.
c) Việc trích và sử dụng quỹ đầu tư phát
triển phải theo chính sách tài chính hiện hành đối với từng loại doanh nghiệp
hoặc quyết định của chủ sở hữu.
d) Doanh nghiệp không tiếp tục trích Quỹ dự
phòng tài chính. Chủ sở hữu doanh nghiệp ra quyết định chuyển số dư Quỹ dự
phòng tài chính vào Quỹ đầu tư phát triển.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản
414 - Quỹ đầu tư phát triển
Bên Nợ: Tình
hình chi tiêu, sử dụng quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp.
Bên Có: Quỹ
đầu tư phát triển tăng do được trích lập từ lợi nhuận sau thuế.
Số dư bên Có: Số
quỹ đầu tư phát triển hiện có.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh
tế chủ yếu
a) Trong kỳ, khi tạm trích lập quỹ đầu tư
phát triển từ lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 414 - Quỹ đầu tư phát triển.
b) Cuối năm, xác định số quỹ đầu tư phát
triển được trích, kế toán tính số được trích thêm, ghi:
Nợ TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 414 - Quỹ đầu tư phát triển.
c) Trường hợp công ty cổ phần phát hành thêm
cổ phiếu từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển, ghi:
Nợ TK 414 - Quỹ đầu tư phát triển
Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu (theo
mệnh giá)
Có TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (phần chênh
lệch giữa giá phát hành cao hơn mệnh giá, nếu có).
d) Chuyển số dư quỹ dự phòng tài chính: Số dư
quỹ dự phòng tài chính hiện có tại doanh nghiệp được kết chuyển sang quỹ đầu tư
phát triển, ghi:
Nợ TK 415 - Quỹ dự phòng tài chính
Có TK 414 - Quỹ đầu tư phát triển.
đ) Khi
doanh nghiệp bổ sung vốn điều lệ từ Quỹ đầu tư phát triển, doanh nghiệp phải kết chuyển sang Vốn đầu tư của chủ sở hữu, ghi:
Nợ TK 414 - Quỹ đầu tư phát triển
Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu.
Bài hướng dẫn trên của chúng tôi được tổng hợp trích lập tóm tắt từ thông tư 200. Nếu chưa rõ hoặc cần hỗ trợ bạn vui lòng liên hệ qua số điện thoại: 0399.36.39.38 để được tư vấn giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.