Hạch toán tài khoản 632 theo quy định tại Thông tư 200/2014/TT-BTC
1. Chi phí là những khoản làm giảm lợi ích
kinh tế, được ghi nhận tại thời điểm giao dịch phát sinh hoặc khi có khả năng
tương đối chắc chắn sẽ phát sinh trong tương lai không phân biệt đã chi tiền
hay chưa.
2. Việc ghi nhận chi phí ngay cả khi chưa đến
kỳ hạn thanh toán nhưng có khả năng chắc chắn sẽ phát sinh nhằm đảm bảo nguyên
tắc thận trọng và bảo toàn vốn. Chi phí và khoản doanh thu do nó tạo ra phải
được ghi nhận đồng thời theo nguyên tắc phù hợp. Tuy nhiên trong một số trường
hợp, nguyên tắc phù hợp có thể xung đột với nguyên tắc thận trọng trong kế
toán, thì kế toán phải căn cứ vào bản chất và các Chuẩn mực kế toán để phản ánh
giao dịch một cách trung thực, hợp lý.
3. Mỗi doanh nghiệp chỉ có thể áp dụng một
trong hai phương pháp kế toán hàng tồn kho: Kê khai thường xuyên hoặc kiểm kê
định kỳ. Doanh nghiệp khi đã lựa chọn phương pháp kế toán thì phải áp dụng nhất
quán trong một năm tài chính. Trường hợp áp dụng phương pháp kiểm kê định kỳ,
cuối kỳ kế toán phải kiểm kê để xác định giá trị hàng tồn kho cuối kỳ.
4. Kế toán phải theo dõi chi tiết các khoản
chi phí phát sinh theo yếu tố, tiền lương, nguyên vật liệu, chi phí mua ngoài,
khấu hao TSCĐ...
5. Các khoản chi phí không được coi là chi
phí tính thuế TNDN theo quy định của Luật thuế nhưng có đầy đủ hóa đơn chứng từ
và đã hạch toán đúng theo Chế độ kế toán thì không được ghi giảm chi phí kế
toán mà chỉ điều chỉnh trong quyết toán thuế TNDN để làm tăng số thuế TNDN phải
nộp.
6. Các tài khoản phản ánh chi phí không có số
dư, cuối kỳ kế toán phải kết chuyển tất cả các khoản chi phí phát sinh trong kỳ
để xác định kết quả kinh doanh.
Điều 89. Tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh trị giá vốn
của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bất động sản đầu tư; giá thành sản xuất của
sản phẩm xây lắp (đối với doanh nghiệp xây lắp) bán trong kỳ. Ngoài ra, tài
khoản này còn dùng để phản ánh các chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh
bất động sản đầu tư như: Chi phí khấu hao; chi phí sửa chữa; chi phí nghiệp vụ
cho thuê BĐS đầu tư theo phương thức cho thuê hoạt động (trường hợp phát sinh
không lớn); chi phí nhượng bán, thanh lý BĐS đầu tư…
b) Trường hợp doanh nghiệp là chủ đầu tư kinh
doanh bất động sản, khi chưa tập hợp được đầy đủ hồ sơ, chứng từ về các khoản
chi phí liên quan trực tiếp tới việc đầu tư, xây dựng bất động sản nhưng đã
phát sinh doanh thu nhượng bán bất động sản, doanh nghiệp được trích trước một
phần chi phí để tạm tính giá vốn hàng bán. Khi tập hợp đủ hồ sơ, chứng từ hoặc
khi bất động sản hoàn thành toàn bộ, doanh nghiệp phải quyết toán số chi phí đã
trích trước vào giá vốn hàng bán. Phần chênh lệch giữa số chi phí đã trích
trước cao hơn số chi phí thực tế phát sinh được điểu chỉnh giảm giá vốn hàng
bán của kỳ thực hiện quyết toán. Việc trích trước chi phí để tạm tính giá vốn
bất động sản phải tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
- Doanh nghiệp chỉ được trích trước vào giá
vốn hàng bán đối với các khoản chi phí đã có trong dự toán đầu tư, xây dựng
nhưng chưa có đủ hồ sơ, tài liệu để nghiệm thu khối lượng và phải thuyết minh
chi tiết về lý do, nội dung chi phí trích trước cho từng hạng mục công trình
trong kỳ.
- Doanh nghiệp chỉ được trích trước chi phí
để tạm tính giá vốn hàng bán cho phần bất động sản đã hoàn thành, được xác định
là đã bán trong kỳ và đủ tiêu chuẩn ghi nhận doanh thu.
- Số chi phí trích trước được tạm tính và số
chi phí thực tế phát sinh được ghi nhận vào giá vốn hàng bán phải đảm bảo tương
ứng với định mức giá vốn tính theo tổng chi phí dự toán của phần hàng hóa bất
động sản được xác định là đã bán (được xác định theo diện tích).
c) Khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho được
tính vào giá vốn hàng bán trên cơ sở số lượng hàng tồn kho và phần chênh lệch
giữa giá trị thuần có thể thực hiện được nhỏ hơn giá gốc hàng tồn kho. Khi xác
định khối lượng hàng tồn kho bị giảm giá cần phải trích lập dự phòng, kế toán
phải loại trừ khối lượng hàng tồn kho đã ký được hợp đồng tiêu thụ (có giá trị
thuần có thể thực hiện được không thấp hơn giá trị ghi sổ) nhưng chưa chuyển
giao cho khách hàng nếu có bằng chứng chắc chắn về việc khách hàng sẽ không từ
bỏ thực hiện hợp đồng.
d) Khi bán sản phẩm, hàng hóa kèm thiết bị,
phụ tùng thay thế thì giá trị thiết bị, phụ tùng thay thế được ghi nhận vào giá
vốn hàng bán.
đ) Đối với phần giá trị hàng tồn kho hao hụt,
mất mát, kế toán phải tính ngay vào giá vốn hàng bán (sau khi trừ đi các khoản
bồi thường, nếu có).
e) Đối với chi phí nguyên vật liệu trực tiếp
tiêu hao vượt mức bình thường, chi phí nhân công, chi phí sản xuất chung cố
định không phân bổ vào giá trị sản phẩm nhập kho, kế toán phải tính ngay vào
giá vốn hàng bán (sau khi trừ đi các khoản bồi thường, nếu có) kể cả khi sản
phẩm, hàng hóa chưa được xác định là tiêu thụ.
g) Các khoản thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ
đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường đã tính vào giá trị hàng mua, nếu khi xuất bán
hàng hóa mà các khoản thuế đó được hoàn lại thì được ghi giảm giá vốn hàng bán.
h) Các khoản chi phí không được coi là chi
phí tính thuế TNDN theo quy định của Luật thuế nhưng có đầy đủ hóa đơn chứng từ
và đã hạch toán đúng theo Chế độ kế toán thì không được ghi giảm chi phí kế
toán mà chỉ điều chỉnh trong quyết toán thuế TNDN để làm tăng số thuế TNDN phải
nộp.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản
632 - Giá vốn hàng bán
2.1. Trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn
kho theo phương pháp kê khai thường xuyên.
Bên Nợ:
- Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh,
phản ánh:
+ Trị giá vốn của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ
đã bán trong kỳ.
+ Chi phí nguyên liệu,
vật liệu, chi phí nhân công vượt trên mức bình thường và chi phí sản xuất chung
cố định không phân bổ được tính vào giá vốn hàng bán trong kỳ;
+ Các khoản hao hụt, mất
mát của hàng tồn kho sau khi trừ phần bồi thường do trách nhiệm cá nhân gây ra;
+ Chi phí xây dựng, tự
chế TSCĐ vượt trên mức bình thường không được tính vào nguyên giá TSCĐ hữu hình
tự xây dựng, tự chế hoàn thành;
+ Số trích lập dự phòng
giảm giá hàng tồn kho (chênh lệch giữa số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải
lập năm nay lớn hơn số dự phòng đã lập năm trước chưa sử dụng hết).
- Đối với hoạt động kinh doanh BĐS đầu tư,
phản ánh:
+ Số khấu hao BĐS đầu tư dùng để cho thuê
hoạt động trích trong kỳ;
+ Chi phí sửa chữa, nâng cấp, cải tạo BĐS đầu
tư không đủ điều kiện tính vào nguyên giá BĐS đầu tư;
+ Chi phí phát sinh từ nghiệp vụ cho thuê
hoạt động BĐS đầu tư trong kỳ;
+ Giá trị còn lại của BĐS đầu tư bán, thanh
lý trong kỳ;
+ Chi phí của nghiệp vụ
bán, thanh lý BĐS đầu tư phát sinh trong kỳ;
+ Chi phí trích trước
đối với hàng hóa bất động sản được xác định là đã bán.
Bên Có:
- Kết chuyển giá vốn của sản phẩm, hàng hóa,
dịch vụ đã bán trong kỳ sang tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”;
- Kết chuyển toàn bộ chi phí kinh doanh BĐS
đầu tư phát sinh trong kỳ để xác định kết quả hoạt động kinh doanh;
- Khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn
kho cuối năm tài chính (chênh lệch giữa số dự phòng phải lập năm nay nhỏ hơn số
đã lập năm trước);
- Trị giá hàng bán bị trả lại nhập kho;
- Khoản hoàn nhập chi phí trích trước đối với
hàng hóa bất động sản được xác định là đã bán (chênh lệch giữa số chi phí trích
trước còn lại cao hơn chi phí thực tế phát sinh).
- Khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng
bán nhận được sau khi hàng mua đã tiêu thụ.
- Các khoản thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc
biệt, thuế bảo vệ môi trường đã tính vào giá trị hàng mua, nếu khi xuất bán
hàng hóa mà các khoản thuế đó được hoàn lại.
Tài khoản 632 không có số dư cuối kỳ.
2.2. Trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn
kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ.
2.2.1. Đối với doanh nghiệp kinh doanh thương
mại.
Bên Nợ:
- Trị
giá vốn của hàng hóa đã xuất bán trong kỳ.
- Số trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho
(chênh lệch giữa số dự phòng phải lập năm nay lớn hơn số đã lập năm trước chưa
sử dụng hết).
Bên Có:
- Kết chuyển giá vốn của hàng hóa đã gửi bán
nhưng chưa được xác định là tiêu thụ;
- Hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho
cuối năm tài chính (chênh lệch giữa số dự phòng phải lập năm nay nhỏ hơn số đã
lập năm trước);
- Kết chuyển giá vốn của hàng hóa đã xuất bán
vào bên Nợ tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”.
2.2.2. Đối với doanh nghiệp sản xuất và kinh
doanh dịch vụ.
Bên Nợ:
- Trị giá vốn của thành phẩm tồn kho đầu kỳ;
- Số trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho
(chênh lệch giữa số dự phòng phải lập năm nay lớn hơn số đã lập năm trước chưa
sử dụng hết);
- Trị giá vốn của thành phẩm sản xuất xong
nhập kho và dịch vụ đã hoàn thành.
Bên Có:
- Kết chuyển giá vốn của thành phẩm tồn kho
cuối kỳ vào bên Nợ TK 155 “Thành phẩm”;
- Hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho
cuối năm tài chính (chênh lệch giữa số dự phòng phải lập năm nay nhỏ hơn số đã
lập năm trước chưa sử dụng hết);
- Kết chuyển giá vốn của thành phẩm đã xuất
bán, dịch vụ hoàn thành được xác định là đã bán trong kỳ vào bên Nợ TK 911 “Xác
định kết quả kinh doanh”.
Tài khoản 632 không có số dư cuối kỳ.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh
tế chủ yếu
3.1. Đối với doanh nghiệp kế toán hàng tồn
kho theo phương pháp kê khai thường xuyên.
a) Khi xuất bán các sản phẩm, hàng hóa (kể cả
sản phẩm dùng làm thiết bị, phụ tùng thay thế đi kèm sản phẩm, hàng hóa), dịch
vụ hoàn thành được xác định là đã bán trong kỳ, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có các TK 154, 155, 156, 157,…
b) Phản ánh các khoản chi phí được hạch toán
trực tiếp vào giá vốn hàng bán:
- Trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra
thấp hơn công suất bình thường thì kế toán phải tính và xác định chi phí sản
xuất chung cố định phân bổ vào chi phí chế biến cho một đơn vị sản phẩm theo
mức công suất bình thường. Khoản chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ
(không tính vào giá thành sản phẩm số chênh lệch giữa tổng số chi phí sản xuất
chung cố định thực tế phát sinh lớn hơn chi phí sản xuất chung cố định tính vào
giá thành sản phẩm) được ghi nhận vào giá vốn hàng bán trong kỳ, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 154 - Chi phí SXKD dở dang; hoặc
Có TK 627 - Chi phí sản xuất chung.
- Phản ánh khoản hao hụt, mất mát của hàng
tồn kho sau khi trừ (-) phần bồi thường do trách nhiệm cá nhân gây ra, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có các TK 152, 153, 156, 138 (1381),…
- Phản ánh chi phí tự xây dựng TSCĐ vượt quá
mức bình thường không được tính vào nguyên giá TSCĐ hữu hình hoàn thành, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 241 - Xây dựng cơ bản dở dang.
c) Hạch toán khoản trích lập hoặc hoàn nhập
dự phòng giảm giá hàng tồn kho
- Trường hợp số dự phòng giảm giá hàng tồn
kho phải lập kỳ này lớn hơn số đã lập kỳ trước, kế toán trích lập bổ sung phần
chênh lệch, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2294).
- Trường hợp số dự phòng giảm giá hàng tồn
kho phải lập kỳ này nhỏ hơn số đã lập kỳ trước, kế toán hoàn nhập phần chênh
lệch, ghi:
Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2294)
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán.
d) Các nghiệp vụ kinh tế liên quan đến hoạt
động kinh doanh BĐS đầu tư:
- Định kỳ tính, trích khấu hao BĐS đầu tư
đang cho thuê hoạt động, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (chi tiết chi
phí kinh doanh BĐS đầu tư)
Có TK 2147 - Hao mòn BĐS đầu tư.
- Khi phát sinh chi phí liên quan đến BĐS đầu
tư sau ghi nhận ban đầu nếu không thoả mãn điều kiện ghi tăng giá trị BĐS đầu
tư, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (chi tiết chi
phí kinh doanh BĐS đầu tư) Nợ TK 242 - Chi phí trả trước (nếu phải phân bổ dần)
Có các TK 111, 112, 152, 153, 334,…
- Các chi phí liên quan đến cho thuê hoạt
động BĐS đầu tư, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (chi tiết chi
phí kinh doanh BĐS đầu tư)
Có các TK 111, 112, 331, 334,...
- Kế toán giảm nguyên giá và giá trị hao mòn
của BĐS đầu tư (nếu có) do bán, thanh lý, ghi:
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (2147 - Hao mòn BĐS
đầu tư)
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (giá trị còn lại
của BĐS đầu tư)
Có TK 217 - Bất động sản đầu tư (nguyên giá).
- Các chi phí bán, thanh lý BĐS đầu tư phát
sinh, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (chi tiết chi
phí kinh doanh BĐS đầu tư)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,...
đ) Phương pháp kế toán khoản chi phí trích
trước để tạm tính giá vốn hàng hóa bất động sản được xác định là đã bán đối với
doanh nghiệp là chủ đầu tư:
- Khi trích trước chi phí để tạm tính giá vốn
hàng hóa bất động sản đã bán trong kỳ, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 335 - Chi phí phải trả.
- Các chi phí đầu tư, xây dựng thực tế phát
sinh đã có đủ hồ sơ tài liệu và được nghiệm thu tập hợp để tính chi phí đầu tư
xây dựng bất động sản, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở
dang
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có các tài khoản liên quan.
- Khi các khoản chi phí trích trước đã có đủ
hồ sơ, tài liệu chứng minh là đã thực tế phát sinh, kế toán ghi giảm khoản chi
phí trích trước và ghi giảm chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang, ghi:
Nợ TK 335 - Chi phí phải trả
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở
dang.
- Khi toàn bộ dự án bất động sản hoàn thành,
kế toán phải quyết toán và ghi giảm số dư khoản chi phí trích trước còn lại,
ghi:
Nợ TK 335 - Chi phí phải trả
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở
dang
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán (phần chênh lệch
giữa số chi phí trích trước còn lại cao hơn chi phí thực tế phát sinh).
e) Trường hợp dùng sản phẩm sản xuất ra
chuyển thành TSCĐ để sử dụng, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở
dang.
g) Hàng bán bị trả lại nhập kho, ghi:
Nợ các TK 155,156
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán.
h) Trường hợp khoản chiết khấu thương mại
hoặc giảm giá hàng bán nhận được sau khi mua hàng, kế toán phải căn cứ vào tình
hình biến động của hàng tồn kho để phân bổ số chiết khấu thương mại, giảm giá
hàng bán được hưởng dựa trên số hàng tồn kho chưa tiêu thụ, số đã xuất dùng cho
hoạt động đầu tư xây dựng hoặc đã xác định là tiêu thụ trong kỳ:
Nợ các TK 111, 112, 331…
Có các TK 152, 153, 154, , 155, 156 (giá trị
khoản CKTM, GGHB của số hàng tồn kho chưa tiêu thụ trong kỳ)
Có TK 241 - Xây dựng cơ bản dở dang (giá trị
khoản CKTM, GGHB của số hàng tồn kho đã xuất dùng cho hoạt động đầu tư xây
dựng)
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán (giá trị khoản
CKTM, GGHB của số hàng tồn kho đã tiêu thụ trong kỳ).
k) Kết chuyển giá vốn hàng bán của các sản
phẩm, hàng hóa, bất động sản đầu tư, dịch vụ được xác định là đã bán trong kỳ
vào bên Nợ tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”, ghi:
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán.
3.2) Đối với doanh nghiệp kế toán hàng tồn
kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ
a) Đối với doanh nghiệp thương mại:
- Cuối kỳ, xác định và kết chuyển trị giá vốn
của hàng hóa đã xuất bán, được xác định là đã bán, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán.
Có TK 611 - Mua hàng.
- Cuối kỳ, kết chuyển giá vốn hàng hóa đã
xuất bán được xác định là đã bán vào bên Nợ tài khoản 911 “Xác định kết quả
kinh doanh”, ghi:
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán.
b) Đối với doanh nghiệp sản xuất và kinh
doanh dịch vụ :
- Đầu kỳ, kết chuyển trị giá vốn của thành
phẩm tồn kho đầu kỳ vào tài khoản 632 “Giá vốn hàng bán”, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 155 - Thành phẩm.
- Đầu kỳ, kết chuyển trị giá của thành phẩm,
dịch vụ đã gửi bán nhưng chưa được xác định là đã bán vào tài khoản 632 “Giá
vốn hàng bán”, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 157 - Hàng gửi đi bán.
- Giá thành của thành phẩm hoàn thành nhập
kho, giá thành dịch vụ đã hoàn thành, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 631 - Giá thành sản phẩm.
- Cuối kỳ, kết chuyển giá vốn của thành phẩm
tồn kho cuối kỳ vào bên Nợ tài khoản 155 “Thành phẩm”, ghi:
Nợ TK 155 - Thành phẩm
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán.
- Cuối kỳ, xác định trị giá của thành phẩm,
dịch vụ đã gửi bán nhưng chưa được xác định là đã bán, ghi:
Nợ TK 157 - Hàng gửi đi bán
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán.
- Cuối kỳ, kết chuyển giá vốn của thành phẩm,
dịch vụ đã được xác định là đã bán trong kỳ vào bên Nợ tài khoản 911 “Xác định
kết quả kinh doanh”, ghi:
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán.
Bài hướng dẫn trên
của chúng tôi được tổng hợp trích lập tóm tắt
từ thông tư 200. Nếu chưa rõ hoặc cần hỗ trợ bạn vui lòng liên hệ qua số
điện thoại: 0399.36.39.38 để được tư vấn giải đáp.
Rất mong nhận được
sự hợp tác!
Trân trọng./.